Thước lái ô tô hư hỏng: Những dấu hiệu nhận biết và cách xử lý
Thước lái ô tô là bộ phận đảm nhận vai trò vô cùng quan trọng với ô tô. Khi bộ phận này gặp vấn đề hư hỏng, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng điều khiển xe, từ đó mất đi tính an toàn khi sử dụng xe!
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến thước lái có thể bị hư hỏng như: do các thanh nối, thanh dẫn dầu bị mòn, rò rỉ dầu trợ lực lái, hệ thống phanh gặp vấn đề cũng có thể ảnh hưởng đến thước lái (đĩa phanh hay má phanh bị mòn)… Lúc này, chủ xe cần phải nhận biết được hư hỏng để sớm đưa ra phương án xử lý kịp thời.
Vậy thước lái xe ô tô là gì? Có những hư hỏng và dấu hiệu nào để nhận biết được thước lái trên chiếc xe của mình gặp hư hỏng? Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết sau đây để có câu trả lời cho mình nhé! (1)
Thước lái ô tô là gì?
Thước lái là bộ phận thuộc hệ thống lái được trang bị trên xe ô tô, nó nối liền giữa vô lăng và bánh trước của xe. Bộ phận này đảm nhận nhiệm vụ điều hướng chuyển động của 2 bánh trước, theo ý muốn người của lái thông qua vô lăng.
Hiện nay có hai loại thước lái chính đó là thước lái thủy lực và thước lái điện. Hai hệ thống này được lắp đặt nhằm giúp việc điều khiển xe trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.
Khi bộ phận này gặp vấn đề hư hỏng, nó sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng vận hành của xe, đồng thời cũng ảnh hưởng đến tính an toàn của chính những người ngồi trên xe và các phương tiện lưu thông cùng. Do đó, chủ xe cần phải bảo dưỡng hoặc thay thế thước lái định kỳ nếu như nhận thấy dấu hiệu hư hỏng.
Cấu tạo của thước lái xe ô tô
Về cấu tạo, thước lái trên xe ô tô được tạo thành bởi 5 bộ phận chính sau:
– Trục các đăng: Bộ phận này đảm nhận nhiệm vụ điều chỉnh hướng quay của các thanh nối trục vô lăng, từ đó giúp bánh răng quay theo.
– Trục vô lăng: Bao gồm những đoạn nhỏ được nối liền với nhau bằng các khớp các đăng, tạo nên một trục kim loại cứng, đảm nhận vai trò truyền chuyển động quay từ vô lăng tới bánh răng.
– Thanh răng: Được lắp đặt trong hệ thống ray trượt tịnh tiến, kết hợp cùng với rotuyn và moay-ơ để tạo nên hệ thống lái hình thang. Việc thanh răng trượt tịnh tiến sang phải/trái sẽ giúp xe di chuyển ổn định hơn, 2 bánh xe trước phối hợp nhịp nhàng khi đi qua những khúc của.
– Tay đòn: Đảm nhận nhiệm vụ truyền chuyển động từ thanh răng đến các khớp bẻ lái.
– Khớp bẻ lái: Có tác dụng liên kết tay đòn của thước lái với trục quay của bánh xe, truyền và tạo lực quay cho bánh xe theo đúng chỉ dẫn.
Nguyên lý hoạt động và chức năng của thước lái
Nguyên lý hoạt động của thước lái ô tô tương đối đơn giản, cụ thể như sau:
– Khi xoay vô lăng, trục vít nối với thanh răng sẽ quay theo. Từ đó giúp thanh răng di chuyển tịnh tiến sang trái hoặc phải.
– Khi thanh răng di chuyển sẽ kéo/đẩy các rotuyn và moay-ơ chuyển động, kéo theo bánh xe dịch chuyển hướng vào hoặc ra.
Về chức năng, thước lái có những chức năng sau đây:
– Xác định hướng di chuyển của xe, đảm bảo xe di chuyển theo đúng những gì người lái muốn.
– Giúp xe ổn định, đảm bảo bánh trước giữ đúng vị trí cố định khi quay theo ý muốn của người lái.
– Kiểm soát sự hao mòn của lốp thông qua việc điều chỉnh vị trí bánh trước theo góc cần thiết, hạn chế tối đa tình trang hao mòn của lốp xe.
– Giảm thiểu độ rung của vô lăng khi di chuyển qua những đoạn đường xấu.
Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý khi thước lái hư hỏng
Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy thước lái ô tô hư hỏng và cách xử lý. Nếu như bạn nhận thấy thước lái trên xe của mình cũng gặp phải những dấu hiệu này, tốt hơn hết bạn nên mang xe đến các trung tâm sửa chữa thước lái để được kiểm tra và xử lý kịp thời:
1. Tình trạng tay lái nặng
Đây là một trong những dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy thước lái đang gặp vấn đề. Cụ thể, khi điều khiển bạn cần phải sử dụng nhiều lực hơn để đánh lái. Nguyên nhân có thể là do dầu trợ lực bị thiếu, bơm trợ lực bị mòn cánh, trầy xước, hở đường dầu.
Trước tiên, bạn cần kiểm tra dầu trợ lực lái. Nếu như dầu vẫn nằm trong mức Min – Max thì nguyên nhân không phải do thiếu dầu. Nếu vậy thì bạn cần phải mang xe đến các trung tâm sửa chữa để kiểm tra bơm trợ lực.
2. Trả lái chậm
Có khá nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng trả lái chậm. Theo kinh nghiệm sửa chữa, đa phần lỗi này xuất hiện là do thước lái bị hở xéc măng làm dầu lọt qua khoang. Điều này khiến áp suất và lượng dầu được bơm vào bơm trợ lực bị hao hụt, dẫn đến việc khả năng hoạt động của bộ phận này kém dần đi. Từ đó kéo theo việc thước lái bị tịnh tiến chậm hơn khi đánh lái.
Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể là do thanh dẫn động, các-đăng mòn nên khi dịch chuyển sẽ tạo nên ma sát lớn, làm ảnh hưởng đến việc trả lái. Để khắc phục tình trạng này, bạn hãy mang xe đến các trung tâm sửa chữa để bôi mỡ, hoặc thay thế các bộ phận hư hỏng.
3. Thước lái ô tô chảy dầu
Những nguyên nhân khiến thước lái chảy dầu có thể là do:
– Phớt của thước lái bị rách do nước hay bụi bẩn tích tụ lâu ngày. Đối với trường hợp này, bạn hãy thay bọc cao su che bụi mới ngay để tránh phát sinh thêm những hư hỏng khác.
– Hai đầu thước lái không được siết chặt, từ đó có lỗ hổng rỗ ti khiến dầu bị rò rỉ ra ngoài. Để khắc phục, bạn cần mang xe đến gara sửa chữa để được siết chặt các đầu lại và bôi thêm dầu.
4. Rơ vành tay lái
Vành tay lái bị rơ sẽ khiến hệ thống lái ảnh hưởng theo. Hiện tượng này xảy ra là do các khớp nối, trục các đăng đã bị mòn sau thời gian dài sử dụng. Từ đó khiến liên kết giữa các bộ phận của hệ thống lái không còn chắc chắn.
5. Hệ thống lái phát ra những âm thanh lạ
Trong quá trình xoay vô lăng, nếu bạn nhận thấy có những âm thanh lạch cạch, re re… thì có thể rằng hệ thống lái đang gặp phải vấn đề hư hỏng nào đó. Nguyên nhân có thể là do thước lái bị hỏng, mòn… khiến các liên kết giữa các bộ phận lỏng lẻo, dầu trợ lực còn ít, hoặc bơm trợ lực hoạt động kém hiệu quả…
Đối với trường hợp này, bạn có thể thử bơm thêm dầu trợ lực trước. Nếu như tình trạng không được cải thiện thì cần mang xe đến gara để được kiểm tra và sửa chữa.
Trên đây là một số thông tin về những hư hỏng và dấu hiệu nhận biết ở thước lái ô tô mà AutogarageVN muốn gửi đến bạn đọc. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những thông tin hữu ích dành cho bản thân.
Chúc các bạn lái xe an toàn!